Bùi Công Duy từng cho rằng, việc mời Berliner Symphonike sang biểu diễn ở Việt Nam là điều không tưởng bởi lịch làm việc của các dàn nhạc nổi tiếng thế giới được lên kế hoạch trước 1-3 năm, kèm theo những điều khoản rất chặt chẽ và nghiêm ngặt. May mắn được gặp Lior Shambadal - chỉ huy Berliner Symphonike, Bùi Công Duy đã cố thuyết phục vị nhạc trưởng tài ba. Bản thân Lior từng sang Việt Nam nên rất có cảm tình với đất nước hình chữ S. Ông tích cực tìm kẽ hở thời gian và vận động các đồng nghiệp sang Việt Nam lưu diễn. Trong dàn nhạc 66 người đến từ nhiều quốc gia có một người Việt chơi violin chính là Lê Ngọc Anh Kiệt - học trò của giáo sư, tiến sĩ Bùi Công Thành, cha Bùi Công Duy - từng được học bổng đào tạo tại Nga. Đây cũng là một lợi thế nữa cho Bùi Công Duy trong cuộc thương thuyết với Berliner Symphonike.
Dàn nhạc Berliner Symphonike đã góp phần làm giàu có sân khấu âm nhạc cổ điển thế giới suốt hơn 40 năm qua. |
Có hậu thuẫn tích cực nhưng Bùi Công Duy và êkíp cũng chưa hết khó khăn. Phải mất cả năm trời đàm phán, phía Bùi Công Duy mới có thể thuyết phục Berliner Symphonike thay đổi kịch bản thường chơi, giảm những tác phẩm kinh điển xuống còn một nửa và bổ sung những tác phẩm nhỏ mang tính trích đoạn, có giai điệu dễ nghe để phù hợp hơn với khán giả Việt Nam. Berliner Symphonike kiên quyết không chấp nhận sử dụng những thiết bị được phía Việt Nam chuẩn bị mà yêu cầu hỗ trợ mang toàn bộ nhạc cụ của đoàn sang. “Chúng tôi phải thực hiện công việc hậu cần khổng lồ, từ lo visa cho 66 người đến đảm bảo vận chuyển an toàn số nhạc cụ, trong đó có cây đàn trị giá một triệu USD và nhiều nhạc cụ đắt tiền khác” - đạo diễn Việt Tú chia sẻ.
![]() |
Bùi Công Duy hãnh diện được biểu diễn chung cùng dàn nhạc nổi tiếng thế giới. |
Êkíp thực hiện không tiết lộ số tiền phải trả cho dàn nhạc giao hưởng Đức. Nhà sản xuất âm nhạc - MC Anh Tuấn - chỉ cho biết, đó là số tiền không hề nhỏ ở Việt Nam nhưng chưa thể đạt mức cát-xê mà Berliner Symphonike thường nhận trong các chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới. “Nếu chỉ vì tiền, chắc họ sẽ khó mà đồng ý sang Hà Nội biểu diễn. Các thành viên trong dàn nhạc muốn tìm hiểu văn hóa, con người Việt Nam. Trước ngày diễn ra đêm nhạc, chúng tôi sẽ sắp xếp cho họ đi vịnh Hạ Long để nghỉ ngơi, thư giãn nhằm mang đến một tinh thần tốt nhất” - Bùi Công Duy cho biết.
Không chỉ là giám đốc âm nhạc, con rể nhạc sĩ Phú Quang còn là đại diện Việt Nam duy nhất đứng chung sân khấu với dàn nhạc Berliner Symphonike trong buổi hòa nhạc Eternal Concert diễn ra ngày 14 - 15/7 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội.
Huy Phạm