Chia sẻ về triển lãm Vọng đang diễn ra ở TP HCM, họa sĩ Võ Xuân Huy nói: "Đây là nỗ lực của tôi nhằm làm khác đi quan niệm về tranh sơn mài đã thành nếp gấp công thức lâu nay trong tâm trí nhiều người. Bởi lẽ, thời đại mới đòi hỏi ở tranh sơn mài một hệ hình mới để phản ảnh".
|
"Tiếng vọng từ chiến trường 2". |
Nét nổi bật ở tranh sơn mài của Võ Xuân Huy là cấu trúc bề mặt nứt nẻ, nhăn co, mòn vẹt với những gam màu xám bạc, lạnh, rêu phong tạo nên sắc thái nhạt nhòa khó nắm bắt. Độ sáng bóng và mờ đôi khi đan quyện vào nhau làm bật lên ý tưởng của chủ đề "Vọng": nhìn lại di sản, nhìn lại chiến tranh và cũng là nhìn về tương lai.
Ngắm các bức tranh mới của họa sĩ này, khán giả có thể thấy anh gắn kết các ký tự xưa, hoa văn cổ, súng đạn, rác thải công nghiệp… thành những dấu ấn nổi hoặc chìm trên những cấu trúc bề mặt của sơn mài. Từ đấy, người xem liên tưởng về từ các vết tích của di sản văn hóa, chiến tranh, môi trường. Ba vấn đề lớn này đang tác động vào mỗi một con người hiện đại theo nhiều cách thức và mức độ khác nhau. Chính vì thế, những ẩn ý phía dưới lớp sơn có thể làm người xem ám ảnh và rung cảm.
"Dấu ấn sen cổ 1". |
Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân nhận xét, tranh sơn mài của họa sĩ sinh năm 1970 này có sự "hiện đại hóa truyền thống".
Tiếp sau đỉnh cao của mỹ thuật Đông Dương những năm 1930-1940 và giai đoạn Hiện thực Xã hội chủ nghĩa những năm 1960, sơn mài Việt Nam có những thử nghiệm đa dạng từ những năm Đổi mới (từ 1986) tới nay. Trong bối cảnh đó, những thể nghiệm và thành công của Võ Xuân Huy là một thí dụ nổi bật.
"Tôi thấy họa sĩ đã xuất phát không từ bề mặt đã hoàn thành của sơn mài mà từ bên trong quá trình phôi thai của chất liệu để dùng nó như ngôn ngữ cho sự biểu hiện. Những đặc điểm chất liệu và kỹ thuật như: rạn vỡ, nhăn co tới mài bóc, đắp phủ… được ‘thuần hóa’ và sử dụng rất chủ động, để cảm hứng sáng tác được hiện hình trực tiếp, trực diện, tức thời", Nguyễn Quân chia sẻ cảm nhận.
Theo ông, Võ Xuân Huy đã dũng cảm can thiệp vào những quy tắc tưởng như định hình bất biến của chất liệu cổ truyền. "Anh không nương nhờ vẻ đẹp vàng son, trầm ấm hay cái điệu đà, duyên dáng của sơn mài ‘cổ’, cũng không cầu viện nơi các mô típ, chủ đề ‘dân gian, lễ hội hay tâm linh’... cảm thức sáng tạo hiện đại và các đặc điểm chất liệu, kỹ thuật đã đưa sơn mài sang hẳn địa hạt của tâm tình hội họa", ông nói.
Họa sĩ Võ Xuân Huy (phải). |
Võ Xuân Huy hiện là giảng viên của Đại học Mỹ thuật Huế. Anh từng lấy bằng thạc sĩ thị giác của ĐH Maha Sarakham, Thái Lan. Là người kiên trì theo đuổi, khám phá vẻ đẹp tranh sơn mài Việt, họa sĩ quê Quảng Trị từng tổ chức thành công triển lãm dòng tranh truyền thống này tại nhiều nơi trong và ngoài nước (Pháp, Hà Lan, Thái Lan....).
Triển lãm "Vọng" diễn ra từ ngày 21/7 đến ngày 11/8 tại Cactus Gallery, quận Bình Thạnh, TP HCM.
* Ảnh: Ký ức chiến tranh đi vào sơn mài Võ Xuân Huy |
Thất Sơn