Hôm 25/7, Hội nghị thực trạng và giải pháp đẩy mạnh hoạt động phát hành - phổ biến phim giai đoạn 2012 - 2015 diễn ra tại Hà Nội, do Thứ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái và tiến sĩ Ngô Phương Lan - Phó cục trưởng Cục điện ảnh - chủ trì. Các nhà phát hành phim nhà nước và tư nhân đến từ ba miền có tham luận tại hội nghị.
![]() |
Thứ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái và Phó cục trưởng Cục điện ảnh Ngô Phương Lan trong Hội nghị thực trạng và giải pháp đẩy mạnh hoạt động phát hành - phổ biến phim giai đoạn 2012 - 2015 diễn ra hôm 25/7 tại Hà Nội. |
Trong cuộc họp, tiến sĩ Ngô Phương Lan thông báo tính từ 1/1 đến 30/3 năm nay, doanh thu điện ảnh tại Việt Nam đạt được 13 triệu USD (khoảng 273 tỷ đồng). Con số này dựa vào doanh thu của những rạp phim lớn trên cả nước, với những phim Việt trong mùa phim Tết và các tác phẩm nước ngoài lớn nhỏ được trình chiếu trong quý I. Bom tấn Hollywood, gồm những phim ra mắt hồi đầu năm như Underworld 4, Harry Potter 7.2, Sherlock Holmes 2, Journey 2, The Lorax… chiếm một khoản lớn.
Bà Ngô Phương Lan cũng cho biết năm 2000, doanh thu điện ảnh ở nước ta chỉ đạt 2 triệu USD thì sau 10 năm, con số này đã lên tới 26 triệu USD. Năm ngoái tính đến hết tháng 11, điện ảnh tại Việt Nam đạt được mốc 35 triệu USD. Có khoảng 3,5 triệu khán giả theo dõi phim Việt Nam.
Buổi thảo luận có sự tham gia của giám đốc và người đại diện của trung tâm điện ảnh tại các tỉnh như Sơn La, Cao Bằng, Khánh Hòa, Đak Lak, Nam Định, Tây Ninh. Bên cạnh đó, nhiều công ty cổ phần lớn như BHD, VinaCinema, Thiên Ngân cũng góp tham luận tại hội nghị. Báo cáo của trung tâm điện ảnh các tỉnh cho thấy việc phổ cập điện ảnh tới người dân những vùng nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn và bất cập. Hiện có 14 tỉnh thành trên cả nước chưa có rạp chiếu bóng. Nhiều rạp chiếu nhỏ lẻ ở một số nơi đã phải đóng cửa sau một thời gian và nhường chỗ cho các hoạt động khác.
![]() |
Khán giả thích xem những bom tấn Hollywood có kỹ xảo hoành tráng, dàn diễn viên đẹp và câu chuyện đơn giản, dễ hiểu. "The Avengers" là bộ phim gây sốt hồi đầu hè năm nay. |
Vấn đề điều tiết nguồn phim được nhiều đại biểu đưa ra trong hội nghị. Số liệu thống kê năm ngoái cho thấy có 17 phim truyện Việt Nam được sản xuất và ra rạp, trong khi đó số lượng nhập khẩu là 106 phim và phần lớn đều do các công ty tư nhân nắm giữ. Theo cam kết quốc tế khi Việt Nam gia nhập WTO, phim nhập khẩu không có hạn ngạch. Nguy cơ khán giả Việt Nam bị phim Hollywood xâm lấn và không quan tâm tới nền điện ảnh nước nhà có khá nhiều ý kiến trái chiều.
Đại diện công ty cổ phần phim Thiên Ngân phát biểu: “Thị trường phim Việt đang ngày một khởi sắc với số lượng và thể loại ngày một đa dạng. Thêm vào đó, lực lượng nghệ sĩ Việt kiều và nước ngoài tham gia sản xuất phim Việt hết sức tích cực, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, việc đưa phim Việt ra rạp vẫn có nhiều mặt hạn chế. Trước tiên là việc thiếu vắng những phim do Nhà nước sản xuất với số lượng mỗi năm chỉ đếm trên đầu ngón tay”.
Hãng Thiên Ngân cho biết các phim này đều không đạt doanh thu cao một phần vì nội dung, phần khác là do công tác quảng bá chưa được đầy đủ. Vấn đề nữa là phim Việt hiện nay vẫn còn yếu trong việc tương tác với khán giả. Nếu như nhiều bộ phim tư nhân có nỗ lực trong việc quảng bá phim bằng các hoạt động giao lưu đoàn phim, tạo trang riêng trên mạng xã hội… thì chưa có ai nghĩ đến việc tạo ra một cộng đồng chung cho khán giả yêu phim Việt có thể tương tác và đánh giá phim giống các trang web nước ngoài như IMDB hay Boxofficemojo.
![]() |
Phim do Nhà nước sản xuất hiện còn rất ít. |
Nhiều ý kiến cũng cho rằng bởi vì chất lượng phim Việt chưa cao. Một năm sản xuất khoảng hơn chục phim nhưng trong số đó nhiều phim làm hời hợt, câu khách bằng những chiêu trò “rẻ tiền” khiến nhiều khán giả đi xem xong mất niềm tin vào phim Việt. Trong khi đó, phim ngoại lại đáp ứng được nhu cầu giải trí của nhiều người khi bước chân vào rạp.
Nhà làm phim độc lập Nguyễn Thanh Bình nhận định: “Tôi cho rằng điện ảnh Việt Nam đang giống như ở Hàn Quốc cách đây 10 năm. Khi đó họ bị chi phối bởi chính sách hội nhập, ồ ạt rất nhiều phim Hollywood. Khi đó, hạn ngạch sản xuất phim trong nước của họ bị giảm đi và nhiều nhà làm phim đã phải vùng dậy giành lại quyền công bằng cho điện ảnh nội địa. Điện ảnh Việt Nam hiện nay cũng vậy. Con số hơn 10 phim một năm vẫn là quá ít và thực sự không có nhiều phim chất lượng. Chúng ta cần phải định hướng rõ rệt hơn về định mức nhập phim cũng như khuyến khích các nhà làm phim trẻ kể câu chuyện của họ”.
Một vấn đề nữa cũng được đưa ra tham luận là mô hình tổ chức và kỹ thuật tại các rạp chiếu. Điện ảnh trên thế giới dần chuyển sang công nghệ kỹ thuật số Digital và thay thế dần cho phim nhựa 35 mm. Tuy nhiên ở Việt Nam, số lượng phòng chiếu Digital chưa phải là nhiều và rất khó có thể thay thế được phim nhựa thông thường. Các máy chiếu Digital hiện nay chỉ tập trung ở một số cụm rạp lớn như MegaStar hay Lotte.
Việc phân định giữa các mạng lưới kỹ thuật cũng xảy ra nhiều bất cập. Mặc dù ở những thành phố lớn, khán giả bắt đầu quen với phim Digital với hình ảnh rõ nét, nuột nà thay thế cho phim nhựa ngày trước. Tuy nhiên, ở các địa phương nhỏ, nhiều người vẫn không phân biệt được và hạn chế kiến thức về máy kỹ thuật số. Nhiều chủ rạp nhỏ ở những vùng nông thôn vẫn quả quyết tin rằng phim 35 mm sẽ còn thống lĩnh thêm 20 năm nữa.
![]() |
Phim Việt hiện mỗi năm có hơn chục bộ phim được ra mắt nhưng không có nhiều tác phẩm chất lượng. Trong ảnh là "Lệnh xóa sổ" - bộ phim bị coi là một "thảm họa điện ảnh" năm ngoái. |
Đề tài kiểm duyệt phim cũng được đưa ra phân tích. Một số hãng phát hành cho rằng hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa có hệ tiêu chuẩn nào về việc duyệt phim, trừ xếp hạng duy nhất đang được áp dụng với một số phim là NC-16 (cấm khán giả dưới 16 tuổi). Đối với nhiều thị trường phim trên thế giới, đặc biệt là ở Hollywood, hệ thống phân loại phim được chia ra các hạng gồm G (dành cho mọi đối tượng), PG (Trẻ em cần có cha mẹ xem kèm), PG-13 (Trẻ em dưới 13 tuổi cần có sự quản thúc của cha mẹ khi xem), R (Khán giả dưới 17 tuổi cần có giám hộ khi xem) và NC-17 (Chỉ dành cho những ai trên 17 tuổi).
Bà Ngô Phương Lan, Phó cục trưởng Cục điện ảnh, cho biết hiện nay Hội đồng duyệt phim Quốc gia vẫn dành ít nhất 2 ngày một tuần để duyệt phim. Việc kiểm duyệt phim vẫn tuân theo Luật điện ảnh và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện ảnh. Theo bà Lan, hình thức kiểm duyệt như hiện nay của Hội đồng duyệt vẫn nhận được đông đảo sự đồng thuận và ủng hộ.
Trong hội nghị, nhiều vấn đề khác của điện ảnh tại Việt Nam cũng được đưa ra như phát triển đội chiếu bóng lưu động tại các tỉnh, phổ cập những phim Việt có giá trị tới đông đảo quần chúng, nâng cao, đổi mới chương trình băng hình miền núi, đề xuất thành lập hiệp hội phát hành - phổ biến phim, xây dựng thêm rạp chiếu… Tuy nhiên trong khuôn khổ một buổi hội nghị, tất cả vẫn chỉ đang là tham luận và ý kiến, quyết định của Cục điện ảnh vẫn chưa thông qua.
Mô hình tổ chức điện ảnh tại 63 tỉnh thành trong cả nước hiện có một công ty TNHH một thành viên, 5 công ty cổ phần (trong đó có 2 công ty văn hóa tổng hợp, điện ảnh), 5 đơn vị sáp nhập với các ngành khác thành trung tâm văn hóa và 54 trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng.
Hệ thống rạp phim trong cả nước hiện có 93 rạp và cụm rạp với 215 phòng chiếu. 72 rạp chiếu do Nhà nước quản lý có 104 phòng chiếu với 26.279 ghế ngồi. 21 rạp phim của các công ty cổ phần, công ty tư nhân và công ty liên doanh có 111 phòng chiếu và 19.768 ghế, tập trung chủ yếu tại những thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Biên Hòa (Đồng Nai) và TP HCM.
Nguyên Minh