- Cảm xúc của ông thế nào sau khi kết thúc chuyến lưu diễn Hòa nhạc Toyota 2012 tại Việt Nam - Lào - Campuchia?
- Khi trở về nhà, tôi rất vui vì những đêm diễn tại Viêng Chăn (Lào), Phnôm Pênh (Campuchia) và TP HCM, Hà Nội (Việt Nam) đã thành công tốt đẹp và đầy ý nghĩa. Với mục đích hỗ trợ Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam nâng cao chất lượng và trình độ biểu diễn đạt chuẩn khu vực, quốc tế, từ năm 1998, Quỹ Toyota Việt Nam đã tài trợ tổ chức chương trình Hòa nhạc cổ điển hàng năm. Năm nay, toàn bộ số tiền bán vé tại Việt Nam, gồm một đêm diễn ở TP HCM và hai đêm ở Hà Nội, đã được dành cho quỹ học bổng Toyota Hỗ trợ tài năng trẻ âm nhạc Việt Nam. Với tôi, đây là việc làm mang nhiều ý nghĩa.
![]() |
Nhạc trưởng người Nhật Bản, Honna Tetsuji - chỉ huy Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam. |
- Ông và Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam có kỷ niệm gì khi diễn ở Lào và Campuchia?
- Chuyến lưu diễn ở hai nước bạn đã mang lại cho chúng tôi những kinh nghiệm trình diễn rất tốt. Với những kinh nghiệm thu được qua hai đêm diễn đó, mỗi nghệ sĩ trong Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam lại càng tự tin hơn khi trình diễn.
- So với khán giả Việt Nam thì sự đón nhận nhạc cổ điển ở hai nước láng giềng thế nào?
- Chúng tôi đã trình diễn những bản nhạc nhẹ nhàng và vui tươi trong hai đêm diễn tại Lào - Campuchia. Thính giả ở hai nước đã đón nhận rất nồng nhiệt các bài biểu diễn của chúng tôi. Tôi nghĩ rằng khán thính giả người Việt giờ đã có nhiều cách thưởng thức nhạc cổ điển hơn trước đây. Trong ba đêm diễn ở Hà Nội và TP HCM, chúng tôi đã trình diễn những bản giao hưởng đích thực và chuẩn mực cho khán thính giả Việt Nam. Tôi cảm thấy khán giả Việt Nam thời gian gần đây đã hưởng ứng nhạc cổ điển rất nhiệt tình.
- Tác phẩm của Beethoven được cho là “thách thức” với những người trình tấu. Tại VN, những tác phẩm này được Dàn nhạc tin tưởng giao cho nghệ sĩ trẻ Bùi Công Duy. Ông nhận xét gì về phần trình diễn của Bùi Công Duy?
- Tất nhiên Bùi Công Duy là một trong những nghệ sĩ xuất sắc ở Việt Nam và cũng là một trong những người bận rộn nhất. Anh ấy đang từng bước trở thành nghệ sĩ violin đẳng cấp thế giới. Tôi cho rằng Bùi Công Duy đã chơi rất tuyệt vời bản nhạc của Beethoven, nhất là khi đây là một bản Concerto dành cho violin khó nhất và đòi hỏi kỹ thuật nhất. Chúng tôi muốn biến âm nhạc trên sân khấu trở nên sống động hơn qua các màn trình diễn.
![]() |
Honna Tetsuji trả lời phỏng vấn một phóng viên Campuchia trong đêm diễn tại thủ đô Pnôm Pênh. |
- Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam đã có những sự phát triển vượt bậc suốt thời gian qua. Theo đánh giá của ông, Dàn nhạc đang ở vị trí nào so với nhạc cổ điển trên thế giới?
- Về cơ bản, tôi nghĩ không nhất thiết phải so sánh Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam với các Dàn nhạc giao hưởng khác. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang tiếp tục nỗ lực học hỏi kinh nghiệm từ những dàn nhạc lớn trên thế giới. Chúng tôi đang cố gắng trở thành "Dàn nhạc duy nhất trên thế giới" hơn là "Dàn nhạc tốt nhất". Chúng tôi luôn luôn cố gắng giữ bản sắc Việt Nam và tập trung vào điều này.
Chúng tôi có những nét đặc trưng riêng của mình và chúng tôi là dàn nhạc giao hưởng đặc biệt của Việt Nam. Đó chính là lý do tại sao có rất nhiều nghệ sĩ nước ngoài muốn tới Việt Nam và làm việc với chúng tôi. Tuy nhiên chúng tôi cần phải luyện tập và học hỏi nhiều hơn. Đặc biệt để có thể phối hợp ăn ý và chúng tôi cũng phải tập trung phát triển kỹ thuật chơi nhạc tốt hơn như một người chơi hòa tấu thực thụ và chuyên nghiệp. Có rất nhiều dàn nhạc tuyệt vời trên thế giới.
- Nhạc cổ điển, giao hưởng vốn được coi là dòng nhạc kén người nghe, vậy ông nghĩ có cách thức nào để nó tiếp cận với khán giả Việt Nam một cách dễ dàng hơn?
- Đây là một trong những nhiệm vụ của chúng tôi. Chúng tôi cố giới thiệu nhiều cách khác nhau để thưởng thức nhạc cổ điển. Ví dụ như trò chơi "Tập làm chỉ huy" hay việc biểu diễn những bản nhạc ngắn - sôi động, hoặc những bản nhạc giao hưởng chuẩn mực như các tác phẩm của Beethoven hay Mahler.
- Trong thời gian gần đây, một số hoạt động như hòa nhạc trên đường phố đã thu hút sự quan tâm của khá nhiều khán giả. Ông nghĩ sao nếu Dàn nhạc giao hưởng VN làm một chương trình tương tự để phổ cập nhạc cổ điển tới khán giả bình dân?
- Thực ra chúng tôi cũng đang nghĩ đến vấn đề này. Chúng tôi sẽ chính thức giới thiệu khi chúng tôi có thể tổ chức chương trình biểu diễn trên phố trong tương lai sắp tới. Đó là một ý tưởng rất thú vị.
![]() |
Honna Tetsuji đã gắn bó với Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam được hơn 10 năm nay. |
- Với những bản nhạc truyền thống của Việt Nam, ông đánh giá cao ca khúc nào khi được dựng thành nhạc giao hưởng cổ điển?
- Nguyên giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam là NSƯT Ngô Hoàng Quân đã dàn dựng một số bản dân ca Việt Nam như Trống cơm, Lý Hoài Nam, Bèo dạt mây trôi... cho dàn nhạc giao hưởng trình tấu. Đó là những bản nhạc rất tuyệt và nhiều khán giả rất thich thú khi nghe. Ở New York, Boston, Tokyo, Osaka, Vientiane, Phnôm Pênh và Hà Nội, chúng tôi đã trình diễn những bản nhạc này rất nhiều lần và luôn nhận được sự hưởng ứng của khán thính giả.
- Thực tế, một số tài năng âm nhạc hàn lâm của Việt Nam không muốn trở về nước hoạt động vì nhiều lý do. Theo ông, làm thế nào để thu hút và hội tụ được những “anh tài” này?
- Thật đáng tiếc, có lẽ họ không biết rõ về Việt Nam ngày nay. Tôi mong rằng những nghệ sĩ Việt tài giỏi sẽ sống ở Việt Nam và biểu diễn, cống hiến nhiều hơn cho khán giả. Tuy nhiên, tôi cũng hy vọng rằng họ sẽ thể hiện tài năng của mình trên thế giới.
Honna Tetsuji đã chỉ huy nhiều dàn nhạc trên thế giới như Dàn nhạc Philarmonica della Scala ở Milano (Italy), Hungarian State Philharmonic (Hungary), Prague Radio Symphony Orchestra (CH Czech), Romanian Radio Orchestra (Rumani), Viotta Ensemble (dàn nhạc gồm các nhạc công đầu bè của Royal Amsterdam Concertgebouw Orchestra), La Tempesta Chamber Orchestra của Phần Lan... Trong lĩnh vực nhạc kịch, ông đã dựng vở nhạc kịch hiện đại “Chung Hyang” của tác giả Toroku Takagi, “Orpheo of Hirashima” của tác giả Yasushi Akutagawa, ”Momo” của tác giả Toshi Ichiyanagi, “Satyricon” của Bruno Maderna và nhiều vở nhạc kịch của Mozart. Honna Tetsuji được bổ nhiệm làm chỉ huy thường xuyên của Dàn nhạc giao hưởng Osaka (1995 - 2001), chỉ huy chính Dàn nhạc thính phòng Nhật Bản (1993 - 1997) chủ yếu biểu diễn tác phẩm thế kỷ XX. Từ 1998 – 2001, Honna là chỉ huy khách mời chính của Dàn nhạc giao hưởng Nagoya. Ông cũng là Giám đốc âm nhạc của Dàn nhạc Nipponica – nơi công diễn lần đầu của nhiều nhạc phẩm Nhật Bản. Tháng 2/2009, Honna Tetsuji được bổ nhiệm làm Giám đốc âm nhạc và chỉ huy chính của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam - nơi ông đã làm việc từ năm 2001 với tư cách là cố vấn âm nhạc và chỉ huy. |
Nguyên Minh thực hiện