The Voice phiên bản Việt thu hút sự chú ý của dư luận ngay từ khi chưa lên sóng truyền hình. Đây là chương trình truyền hình thực tế ăn khách trên thế giới bởi format mới mẻ và hấp dẫn. Tuy nhiên, sau ba tập phát sóng, chương trình để lộ ra nhiều điểm khiến khán giả chưa hài lòng. Người xem thấy rõ ý đồ dàn dựng của nhà sản xuất khi cố tình biên tập để tôn vai trò của từng huấn luyện viên ở mỗi tập. Điều này ảnh hưởng ít nhiều đến tính thực tế của chương trình.
Bốn huấn luyện viên của Giọng hát Việt (từ trái sang): Trần Lập, Hồ Ngọc Hà, Thu Minh, Đàm Vĩnh Hưng. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng. |
Sự dàn dựng thấy rõ nhất nằm ở việc ban tổ chức yêu cầu các giám khảo mặc cùng một trang phục trong các ngày quay liên tiếp. Khi lên sóng đến tập thứ hai, nhiều khán giả đã thắc mắc vì sao giám khảo mặc lại quần áo cũ, gây nhàm chán. Theo nhà sản xuất, vòng Giấu mặt của chương trình được quay hình một lúc sau đó dàn dựng thành các tập phát sóng, nên trang phục của huấn luyện viên không thay đổi. Tuy nhiên, ở các phiên bản nước ngoài, các giám khảo vẫn diện trang phục khác nhau ở các tập. Ở mùa thứ hai tại Mỹ, các giám khảo có thể trùng trang phục trong 2-3 ngày, nhưng sau đó họ vẫn xuất hiện với quần áo khác.
Nội dung của từng tập vòng Giấu mặt cũng được cắt cúp để làm tôn lên ý đồ của nhà sản xuất. Tập 1, khâu biên tập gần như hoàn hảo khi các tiết mục được dàn dựng hợp lý và Hồ Ngọc Hà nổi lên như một huấn luyện viên có lời nhận xét sắc sảo và bản lĩnh. Nickname Hà Thanh bình luận: "Tôi vốn chỉ thích xem Hồ Ngọc Hà biểu diễn nhưng không đánh giá cao giọng hát của cô ấy. Đến khi xem chương trình này, tôi thấy Hà Hồ rất bản lĩnh và có những nhận xét, phát biểu thú vị...".
Tuy vậy, đến tập 2 thì sự sắc sảo của Hà Hồ không còn. Mọi ưu thế dồn vào huấn luyện viên Trần Lập. Nam nhạc sĩ phát huy tối đa kiến thức trong dòng nhạc rock bởi khâu biên tập đã dàn xếp để các giọng ca thiên về dòng nhạc này vào hết tập 2. Đến tập 3, Thu Minh nổi bật hẳn khi tranh giành quyết liệt và sở hữu được nhiều giọng ca xuất sắc.
Sự không đồng đều ở chính bản thân của mỗi huấn luyện viên qua từng tập làm khán giả hoang mang, không biết trên thực tế của các buổi ghi hình, bốn vị huấn luyện viên đã tranh cãi ra sao, sắc bén thế nào trong lời nhận xét. Họ có sa sút phong độ hay vẫn tinh tế, sắc sảo khi theo dõi tiết mục của các thí sinh....
Sự hấp dẫn của chương trình The Voice chính là những màn tranh giành thí sinh và tranh cãi nảy lửa của bốn vị huấn luyện viên ngồi trên chiếc ghế xoay. Khi đến Việt Nam, việc 4 ca sĩ hàng đầu là Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà, Thu Minh và Trần Lập nhận lời tham gia gây thêm sức nóng và háo hức chờ đợi cho cuộc tìm kiếm Giọng hát Việt.
![]() |
Thái Trinh vẫn chọn về đội của Hồ Ngọc Hà dù huấn luyện viên này tỏ ý nhường nhịn để cô về đội Thu Minh. |
Thế nhưng, 4 vị huấn luyện viên Việt chưa có sự đấu tranh quyết liệt mà chủ yếu là nhường nhịn "vuốt mặt" nhau.
Trong tập 3, thí sinh Thái Trinh thể hiện ca khúc Give me a reason khá thuyết phục khiến cả bốn người đều muốn có cô về đội của mình. Dù vậy, họ lại không tranh giành nhau mà ra vẻ nhường nhịn. Hồ Ngọc Hà đưa ra ý kiến: "Giọng hát của em cá tính. Để suy nghĩ cho thí sinh thì chị nghĩ chị Minh sẽ làm tốt hơn chị". Dù Đàm Vĩnh Hưng khen câu nói của Hà Hồ là "cao chiêu" thì lẽ ra, nữ ca sĩ nên có thêm nhiều lý lẽ để việc cô gái trẻ về đội của mình thêm thuyết phục.
Khi Hồ Ngọc Hà là giám khảo duy nhất chọn thí sinh Hoàng Đức ở tập 2, các huấn luyện viên còn lại không tha thiết với chất giọng của anh, vẫn nhận xét đầy vuốt ve. Thu Minh nói: "Tôi rất thích em nhưng tôi không thể vì em mà làm một điều có lỗi với Hồ Ngọc Hà được". Trong khi đó, The Voice phiên bản Mỹ sẽ không có sự nhường nhịn cả nể thế này. Các huấn luyện viên dám bày tỏ quan điểm thậm chí đến mức "sửng cồ". Điển hình là trường hợp thí sinh Nicolle Galyon đệm piano hát ca khúc đồng quê You save me thay vì sử dụng guitar. Giám khảo Adam Levine không ngần ngại nhấn chuông, chọn cô vào đội. Ngược lại, 3 giám khảo còn lại cảm thấy không xuôi tai và chê bai. Ngay tức thì, Adam hét lên: “Thật ngu xuẩn! Tất cả hãy im đi” để bênh vực thí sinh của mình. (xem clip)
Sự tranh cãi nảy lửa giữa các huấn luyện viên hầu như không thấy trong 3 tập phát sóng của phiên bản Việt. Những lời phê bình của họ cũng dừng ở mức nhận xét nhẹ nhàng như tránh làm đau lòng thí sinh, kiểu như "bạn có giọng nhưng chắc hôm nay bạn hát không được tốt".
Lời bình của các huấn luyện viên cũng rập khuôn, không đa dạng. Trong các tập, người xem cứ nghe đi nghe lại câu nói quen thuộc của Mr. Đàm: "Về đội anh, em sẽ tỏa sáng" hay "Anh sẽ đào tạo em thành một ngôi sao của làng nhạc Việt". Trần Lập có vẻ yếu thế nhất trong việc tranh giành thí sinh. Mỗi khi thuyết phục một giọng ca anh chỉ nói đơn giản: "Tôi rất mong em về đội của Trần Lập" hay "Tôi nhận ra khuyết điểm trong bài hát của em và tôi sẽ khắc phục cho em nếu vào đội của tôi"...
Kỷ luật, tính nghiêm ngặt của quy chế cuộc thi cũng là điều khán giả đặt dấu hỏi. Thí sinh Mai Khánh Linh vượt qua vòng giấu mặt của Giọng hát Việt nhưng vẫn thử sức ở Vietnam Idol dù đã ký cam kết với ban tổ chức. Dư luận cho rằng cô sẽ bị loại vì vi phạm quy chế, nhưng cô vẫn được giữ lại để tham gia vòng Đối đầu.
Việc Trần Lập tự động bấm nút xoay ghế cho Hồ Ngọc Hà và Thu Minh trong tiết mục của thí sinh khiếm thị Hà Văn Đông ở tập 2 vòng Giấu mặt cũng gây nhiều tranh cãi. Đây là là tình huống chưa bao giờ xuất hiện trong format gốc của chương trình. Ban tổ chức giải thích, hành động này vẫn được chấp nhận nếu như gặp thí sinh có giọng ca xuất sắc. Tuy nhiên, theo đánh giá của người xem về Hà Văn Đông, giọng ca của anh chỉ dừng lại ở mức có nhiệt huyết, máu lửa chứ không thật đặc biệt để Trần Lập "hứng chí" đến như vậy.
Hơn phân nửa thí sinh Giọng hát Việt chọn ca khúc nước ngoài để thể hiện giọng ca. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng. |
Cư dân mạng xã hội cũng có nhiều thắc mắc vì sao, cuộc thi tìm kiếm giọng hát Việt mà gần hai phần ca khúc dự thi của thí sinh là nhạc nước ngoài. "Tôi đã theo dõi The Voice phiên bản Mỹ từ mùa đầu tiên nên khi nghe nói có phiên bản Việt Nam, tôi rất háo hức. Háo hức vì tôi muốn nghe giọng hát Việt hát tiếng Việt. Nhưng các thí sinh thì lại chuộng hát tiếng Anh hơn là sao nhỉ? Họ không thể chọn được bài hát Việt nào phù hợp với giọng của mình hay họ nghĩ hát bài hát tiếng Anh sẽ dễ lấy lòng giám khảo hơn. Nói thật là nếu bật tivi lên để nghe chương trình của Việt Nam nhưng lại toàn nghe hát nhạc ngoại thì thà tôi đợi xem The Voice của Mỹ mùa thứ ba còn tốt hơn", độc giả có tên Joker.K nêu ý kiến.
Dẫu có những điểm chưa được, hiện Giọng hát Việt vẫn là chương trình giải trí ăn khách, có sức hút cao hơn hẳn so với các chương trình tìm kiến tài năng âm nhạc cùng diễn ra như Ngôi nhà âm nhạc, Sao Mai điểm hẹn... Với format mới lạ, hấp dẫn, chương trình được khán giả háo hức chờ đợi vào tối chủ nhật hằng tuần. Người xem vẫn mong chờ các tiết mục hay cũng như những đôi co, tranh giành giữa 4 huấn luyện viên.
Minh Nguyễn