Người ta không thể đơn giản gọi Chris Marker là một nhà làm phim. Trong hơn sáu thập kỷ qua, ông đã viết thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết và lời phê bình trên rất nhiều lĩnh vực. Ông là một tác giả, dịch giả, hoạ sĩ vẽ tranh biếm họa và nhiếp ảnh gia. Đồng thời, Marker là một trong số những đạo diễn đặc biệt có hứng thú và có khả năng tiếp cận nhanh chóng các công nghệ mới xuất hiện. Nhờ vậy, ông đã có những đột phá vào các lĩnh vực truyền hình, video và xử lý hình ảnh trên máy tính khi những người khác còn khá dè dặt. Trong những năm gần đây, ông còn tự tay xây viện bảo tàng nghệ thuật cho chính mình và tổ chức nhiều cuộc triển lãm.
![]() |
Đạo diễn người Pháp, Chris Marker, vừa qua đời ở tuổi 91 hôm 29/7. |
Xuyên suốt sự nghiệp của mình, Marker luôn tập trung vào sự gắn bó mật thiết, khả năng tương tác cao của các hình thức nghệ thuật. Ông coi các phương tiện truyền thông nói chung (media) là một thể thống nhất. Sự khác biệt giữa các hình thức (form) đem đến nhiều lựa chọn để người nghệ sĩ được tự do thể hiện ý tưởng. Với Marker, sự thay đổi từ hình thức này sang hình thức khác chỉ đơn giản như một sự thay đổi cảnh quan trong phim. Tuy nhiên, cho dù ông thường xuyên vận dụng linh hoạt nhiều hình thức sáng tạo khác nhau, các tác phẩm của ông bất kể thể loại nào cũng đều để lại dấu ấn rõ nét về hành trình của con người trong vòng xoáy của thời gian, lịch sử và ký ức.
Bộ phim được biết đến nhiều nhất của Chris Marker – La Jetée (1962) – xoay quanh câu chuyện một người đàn ông bị ám ảnh bởi một ký ức đầy bí ẩn từ thuở ấu thơ. Đoạn kết bất ngờ của phim hé lộ ký ức này là về cái chết của chính anh ta. Mô-típ về “cái chết thứ hai” này được lấy cảm hứng từ những hình tượng văn học như Faust, Dorian Gray, nhân vật Valdemar của Edgar Allan Poe, hay Raphael Valentin của Balzac. Trong điện ảnh, “cái chết treo” đã nhen nhóm xuất hiện từ những bộ phim theo trường phái Biểu hiện (German Expressionism) như The Cabinet of Dr. Caligari (1920) hay Nosferatu (1922).
![]() |
"La Jétee" là bộ phim nổi tiếng nhất của Chris Marker. |
Chính mô-típ này, cộng với phương thức dựng phim độc đáo của Chris Marker đã mang lại sự lôi cuốn, hấp dẫn cho bộ phim. La Jetée trở nên nổi tiếng vì toàn bộ phim được xây dựng từ những bức ảnh tĩnh (ngoại trừ duy nhất cảnh quay cái chớp mắt của một phụ nữ). Những bức ảnh tĩnh đen trắng này được Chris Marker chia cắt, sắp xếp rồi sau đó quay lại để tạo ra hiệu ứng chuyển động hình ảnh. Sức hấp dẫn của La Jetée đến từ cốt truyện và cách dựng phim, từ hình ảnh tĩnh lặng, nhìn thấy và từ cả hình ảnh không thể nhận ra.
Chris Marker thường được tôn vinh là một trong những nhà làm phim tiên phong của thể loại phim tiểu luận (essay film). Có lẽ vì vậy mà La Jetée, bộ phim viễn tưởng duy nhất trong sự nghiệp của Marker, mang hơi hướng gần gũi với phim tài liệu hơn là một tác phẩm hư cấu. Marker sử dụng ảnh tĩnh để xây dựng cấu trúc của phim và nhấn mạnh vào sự gián đoạn giữa các hình ảnh để khám phá bản chất phức tạp của ký ức và lịch sử. Những câu hỏi khó giải đáp nhất mà bộ phim đặt ra có lẽ là ký ức thời thơ ấu của nhân vật chính trong phim là chân lý hay thực tại? Ký ức là lịch sử khách quan hay chủ quan? Liệu có sự tồn tại riêng biệt giữa ý thức, ký ức và sự tưởng tượng trong tâm trí người đàn ông này?
![]() |
Một hình ảnh đẹp trong phim "La Jétee". |
Ngay từ đầu phim, nhân vật chính đã được gặp gỡ với cái chết của mình thông qua một ký ức, một hình ảnh rất tình cờ và cũng rất ám ảnh. Sự độc lập của hình ảnh và ký ức đối với ý thức được Marker kiên trì nhấn mạnh trong La Jetée, đặc biệt là khi những thí nghiệm với ký ức nhằm đưa nhân vật chính du hành xuyên thời gian hiện lên giống như một kiểu thôi miên, tra tấn về tinh thần hơn là phân tâm học. Dần dần qua những thí nghiệm này, các hình ảnh ngẫu nhiên hiện lên, trở thành những manh mối hé mở quá khứ.
Tuy bộ phim tập trung vào khát vọng điều khiển thời gian của con người, thời gian trong La Jetée lại bị đóng băng trong một ánh mắt, một cử chỉ. Không có những ảo tưởng của sự chuyển động không ngừng. Tất cả đều câm lặng. Ký ức của nhân vật chính như một viện bảo tàng và anh đối diện với những ký ức đó như ghé thăm bảo tàng hay nhìn ngắm những bức ảnh. Sự tách biệt, độc lập của hình ảnh trong ký ức với ý thức và tưởng tượng gợi ý rằng hình ảnh cũng có ký ức riêng của chính nó, một ký ức nằm ngoài lịch sử chủ quan của con người. Từ đó, quá trình tìm kiếm ý nghĩa của những ký ức ấu thơ của nhân vật chính trở thành hành trình tự nhớ lại quá khứ của những hình ảnh.
Theo học thuyết phân tâm học của Lacan, sự tưởng tượng là một cấu trúc vô thức trong đó phần “thật” được loại bỏ và được bắt nguồn từ một hình ảnh đau đớn hơn trong tâm tưởng. Jacques Lacan so sánh sự tưởng tượng với sự “đóng băng một hình ảnh”, trong đó một hình ảnh tĩnh thường được sử dụng để che đậy một hình ảnh gây đau đớn sẽ xảy đến tiếp theo (trong La Jetée là cái chết của nhân vật chính). La Jetée khá trung thành với học thuyết của Lacan khi bộ phim liên tục đặt câu hỏi về mối quan hệ giữa sự tưởng tượng và sự cố định của các dấu vết nhận thức. Cũng giống như Lacan, Chris Marker cho rằng tưởng tượng không có nghĩa trái ngược hoàn toàn với ghi nhớ.
![]() |
Cảnh quay đáng nhớ trong phim "La Jétee". |
Trong đa số trường hợp, như đối với nhân vật chính của La Jetée, sự tưởng tượng có thể tái tạo ký ức, tùy vào áp lực của ham muốn vô thức. Với ham muốn tột cùng được sống trong thời điểm của ký ức, nhân vật chính trong La Jetée đã quay ngược thời gian trở lại và sự tưởng tượng đã biến ký ức thành sự kiện có thật. Dường như đối với Marker, ký ức không chỉ đơn giản là ghi nhớ quá khứ. Ký ức là một tầm nhìn, một ý niệm hư cấu, là sự tưởng tượng, là lịch sử, là ảo ảnh, không có chủ đề và chủ thể.
Các tác phẩm của Marker vẫn có những dấu ấn của lối kể chuyện truyền thống theo kiểu Hollywood, nhưng ông chủ yếu dựa vào sự kết hợp kỳ lạ giữa hình thức phim tài liệu/ tiểu luận. Trong hầu hết các phim của mình, Marker luôn tỏ ra trung thành một cách chặt chẽ với các sự kiện lịch sử, để rồi từ những dấu vết này ông thoả sức thêu dệt nên vô số sự tiên đoán, tưởng tượng và ẩn dụ. Tất cả sự đan xen, biến hoá khôn lường này chỉ cần một “tia lửa” hư cấu duy nhất để bùng lên (một cuộc gặp gỡ tình cờ như trong La Jetée, một tấm ảnh được nhìn thấy, hay một bài hát được vang lên).
Phong cách làm phim của Chris Marker còn được gọi là “sự hư cấu tổi giản” - điều kiện tối thiểu để sự thật và tưởng tượng, tường thuật và tự truyện đan xen chồng chéo lên nhau. Với những nỗ lực hàn gắn, lắp ghép những mảnh dấu vết dường như câm lặng, vô nghĩa của quá khứ, Marker là nhà sử học, người kể chuyện, và trên hết là một người quan sát sự tồn tại.
* Trailer "La Jétee"
Bạn cần cài Flash Player để xem được Clip này.
|
Châu Trần