
![]() |
(TNTT>) Bánh gio làng Đắc Sở (Hoài Đức, Hà Nội) nức tiếng một vùng bởi cái vị thanh mát đặc trưng. Mỗi ngày lễ tết, giỗ chạp, trên mâm cỗ cúng gia tiên của người Đắc Sở không thể thiếu món bánh gio. Bóc miếng bánh óng màu cánh gián, chấm với mật mía hay đường nấu sợi mạch nha, bao nhiêu ngán ngấy tiêu tan! |
Bánh gio Đắc Sở có vị thanh mát khác hẳn bánh gio ở những vùng miền khác. Người Đắc Sở làm bánh gio theo dạng dài như cái bánh tét thu nhỏ và bánh dạng chóp giống bánh giò. Làm theo dạng nào, thì bánh vẫn phải giữ được màu sắc óng ả và cái vị thanh thanh, ngòn ngọt của mùi gạo nếp, ngai ngái mà không quá nồng của mùi nước gio, thêm cái vị man mát của hương lá chít, lá dong áo bánh. Trong các công đoạn làm bánh gio, quan trọng nhất là khâu chọn và ngâm gạo. Ngâm gạo sao cho đủ “chín”, thay nước như thế nào để khi luộc bánh, vừa không nát lại vừa dẻo vừa dai..., là những bí quyết được những người làm bánh gio ở Đắc Sở gìn giữ bao đời. Gạo làm bánh là thứ gạo nếp cái hoa vàng của vụ mùa mới, không được chọn gạo có lẫn tẻ. Bởi chỉ cần gợn một hạt gạo tẻ, bánh sẽ mất hết vị dẻo thơm ngọt vốn có. Gạo đãi sạch, ngâm với nước gio. Nước gio là thành phần chính tạo nên màu sắc óng mượt cho bánh. Đây là thứ nước trong, được gạn từ hỗn hợp nước ngâm lâu ngày của tro than lấy từ cẳng xoan, cẳng đỗ tương, vỏ cây thầu dầu, rơm nếp, cây vừng, vỏ bưởi... Gạo nếp ngâm với nước gio, sau khoảng 2 ngày, đến khi hạt gạo nở mềm, bóp thấy nát nhuyễn, là có thể mang đi gói bánh. Theo kinh nghiệm người Đắc Sở, bánh gio gói với lá chít là hợp nhất. Thu Hằng - Trần Đan |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|
![]() |