
![]() |
(TNTT>) Cá mặt quỷ tươi nướng trui ngon thượng hạng, ngon đến nỗi con lóc đồng nướng trui phải "ngã mũ chào thua". | |||
Nếu ở đồng bằng bạn từng khoái khẩu với món lẩu cá lóc, bông lau, cá ba sa...thì đến với vùng biển, bạn lại có dịp khám phá thêm hương vị của cá mú, cá ngát, đặc biệt là cá mặt quỷ. Tuy tên gọi “đáng sợ” nhưng thịt cá mặt quỷ lại thơm ngon, trên cả tuyệt vời. Một loài cá kỳ dị Trong sách “Gia Định thành thông chí”, ở phần Phụ lục 3, tác giả Trịnh Hoài Đức có đoạn ghi: Người Hoa xếp cá mặt quỷ vào hàng thứ tư trong 4 loài cá có nọc kịch độc. Ai bị cá đâm, thân mình đau nhức quằn quại, nóng lạnh nôn mửa, rên la suốt 24 tiếng đồng hồ. 4 loài đó là: Nhất hồng ngư (còn gọi là miết ngư, cá đuối gai); Nhì hổ ngư (cá mang ếch) còn gọi là cá ba gà, vì ai bị đâm phải cúng ba lần gà. Cá này thịt ngon, người Quảng Đông rất ưa thích; Tam sơn mao (cá ngát); Tứ cổ kim ngư (cá mặt quỷ).
Còn theo TS.Đào Việt Hòa (Viện Hải dương học), cá mặt quỷ có tên tiếng Anh là stonefish, thuộc họ cá mao quỷ Synanceiidae. Hiện nay, nhiều người đã biết đến ít nhất 8 loài cá mặt quỷ mang độc tố dưới dạng nọc độc. Anh Mười Chơn, một tay thợ lặn nổi tiếng ở hòn Củ Tron, cho biết da cá mang ếch có nhiều nhớt còn cá mặt quỷ lại xù xì, xấu xí giống như một hòn đá bám rêu. Cả hai loài cá này đều thích sống ở hang, hốc và các khe đá dưới mực nước khá sâu. Cá mặt quỷ có thể thay đổi màu sắc tùy nơi, tùy lúc để ngụy trang mỗi khi bị đe dọa. Đáng sợ nhất là thân hình chúng có nhiều chiếc vây lưng sắc nhọn có thể đâm vào da thịt người, rất nguy hiểm. Người bị cá đâm, vết thương trở nên bầm tím, sưng phù, nóng và bị co giật, đôi khi còn nôn mửa, rối loạn hô hấp hoặc ngất xỉu. Do đó, người không may bị cá đâm cần đến ngay bệnh viện để được chườm nóng và tiêm thuốc giảm đau. Điều nguy hiểm hơn nữa là cá chết vẫn còn duy trì độc tố nên người mổ cá phải hết sức thận trọng. Ông Vương Ngọc Ánh, một ngư dân ở Hòn Nồm, thuộc quần đảo Nam Du, Kiên Giang cho biết, thịt cá mặt quỷ tuy ngon nhưng dân biển ai cũng ớn, tìm cách né tránh vì nọc nó rất ghê gớm, rủi bị đâm là phải nằm nhà rên rỉ. Tuy nhiên, người đi biển cũng có cách giải độc theo kinh nghiệm dân gian bằng cách dùng hột “đậu nọc” hoặc đâm dây đậu nọc để hút nọc. Dân ở đảo thường trồng loại dây này để lấy nọc khi bị cá ngát, cá mang ếch, cá mặt quỷ hoặc các loài cá dữ đâm phải. Nhưng thịt tuyệt vời Cá tuy xấu xí đến phát sợ nhưng khi nấu chín, thịt cá mặt quỷ lại có màu trắng, mùi vị thơm, ngon, dai và ngọt, ít có thứ cá nào sánh kịp. Các nhà hàng thường chế biến cá mặt quỷ thành nhiều món ngon độc đáo như cá nướng, cá hấp, đầu cá dùng nấu cháo, hấp dẫn nhất là nấu lẩu chua. Muốn làm món lẩu, các đầu bếp trước hết phải rọc bỏ hết lớp da sần sùi bên ngoài bằng cách nhẹ nhàng lách mũi dao vào bên trong tách da cá ra, giữ nguyên phần thịt. Sau đó đem thịt tẩm ướp gia vị trước khi nấu. Lẩu cá mặt quỷ ngon nhất là nấu với cơm mẻ và nêm nếm sao cho vừa ăn, vừa chua cay và ngọt dịu. Món này không thể thiếu sả, ngò, mò om, cà chua, ớt và đậu bắp. Cái chua thanh, dìu dịu và quyến rũ của cơm mẻ hòa quyện với chất ngòn ngọt của cá và hương nồng của rau củ bốc lên phưng phức, ngạt ngào mùi vị quê hương, khiến ai cũng phát thèm. Chỉ nhìn thôi đã thấy ngon rồi! Ai ăn một lần sẽ nhớ mãi mùi cá, vị rau, hương biển và hình ảnh Hòn Trẹm, một khu resort nhìn ra biển sao mà yên ả đến thế! Mỗi loài cá, tôm đều có hương vị đặc trưng và cách chế biến khác nhau, không lẫn vào đâu được. Riêng loại cá mặt quỷ không những lạ, ngon mà còn giàu dưỡng chất nên gần đây nhiều người đã săn lùng ráo riết để phục vụ cho khách du lịch. Không chỉ ở vùng biển, ngay cả nhà hàng nổi tiếng tại các thành phố lớn cũng đưa nhiều món độc đáo từ loài cá trên vào thực đơn để phục vụ. Hoài Phương |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|
![]() |